CEO của Samsung Electronics, ông Yun Jong Yong cho biết bí quyết chính của công ty là luôn đưa ra thị trường những sản phẩm mới trước khi chúng trở thành "cá chết" để bán được giá cao. Yun Jong Yong có một cách mô tả đầy hình ảnh về chiến lược của ông trong một thị trường điện tử gia dụng siêu cạnh tranh, nơi một sản phẩm mới ra lò có thể giảm giá mạnh trong vòng vài tháng. Ông gọi đó là lý thuyết "Shashimi": “Khi bắt được con cá đầu tiên, người ta bán được nó với giá rất đắt cho một nhà hàng Nhật Bản hàng đầu. Nếu còn vài con cá thừa lại đến ngày hôm sau thì chỉ bán được nửa giá cho một nhà hàng hạng hai. Đến ngày thứ ba nó chỉ còn một phần tư giá ban đầu. Và những ngày sau, đó là "cá chết"”. |
Vậy bí mật thành công trong lĩnh vực điện tử gia dụng là đưa ra những sản phẩm hiện đại nhất trong cuộc cạnh tranh. Bằng cách đó bạn có thể bán được với giá rất cao - cho đến khi những đối thủ khác đuổi kịp và sản phẩm đó không còn là hàng độc nữa. Ông Yun cho rằng: "Trong kinh doanh, tiền sẽ được sinh ra nếu chúng ta giảm thời gian của qúa trình sản xuất - tiêu thụ một sản phẩm mới. Nếu thời gian đưa sản phẩm mới đến cho khách hàng sớm hơn một tuần, doanh thu sẽ tăng khác hẳn. Còn nếu sản phẩm của bạn có mặt trên thị trường muộn mất hai tháng thì trò chơi đã kết thúc rồi - game over!".
Trên thực tế Samsung đã áp dụng rất tốt bài học từ lý thuyết Sashimi. Samsung đã liên tục tấn công thị trường toàn cầu bằng các loại điện thoại di động, TV màn hình rộng, chip memory và máy ảnh, máy quay hiện đại nhất với giá cả cũng thuộc hàng cao nhất trên thị trường. |
Thách thức lớn đầu tiên
Đây quả là sự thay đổi kỳ diệu đối với một công ty mà chỉ 6 năm trước còn đang lâm vào tình trạng hiểm nghèo về tài chính và thương hiệu của nó chỉ gắn với hàng TV và điều hoà nhiệt độ cấp thấp. Trong buổi trả lời phỏng vấn gần đây với tờ Business Week, ông Yun, người đã làm việc ở Samsung 30 năm đã giải thích về bước ngoặt của công ty kể từ năm 1997 khi ông ta nắm quyền điều hành - chỉ bẩy tháng trước khi khủng hoảng tài chính châu á bắt đầu.
Yun cho rằng thách thức lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông là vào mùa thu năm 1997 khi ông phải quyết định có nên đầu tư thêm nhiều tỷ đô la vào sản xuất chip memory hay không. Vào thời điểm đó Samsung đã là một trong những nhà sản xuất DRAM chip lớn nhất thế giới. Nhưng giá DRAM đã suy giảm trong năm trước và doanh thu cũng như lợi nhuận của những nhà sản xuất mặt hàng này trên thế giới tụt giảm nghiêm trọng. Dù vậy nếu Samsung dừng đầu tư cho quá trình sản xuất mới thì công ty sẽ mất thị trường và mất vai trò nhà dẫn đầu công nghệ.
Ông Yun giải thích:"Khi đó Samsung Electronics đang đứng bên bờ vực phá sản. Chúng tôi gặp vấn đề nghiêm trọng trong thanh khoản. KIA Motor đã bị phá sản và IMF đòi áp dụng các biện pháp tài chính chặt chẽ ở đất nước tôi. Tất cả nhân viên của chúng tôi rất lo sợ sự suy thoái sẽ đến. Không ai trong ngành này muốn đầu tư thêm".
Vét tiền
Samsung đã quyết định tiếp tục đầu tư sau một cuộc họp ban lãnh đạo 5 tiếng, chủ trì bởi chủ tịch Lee Kun Hee, người đứng đầu tập đoàn Samsung - một tập đoàn đa ngành thành lập trong những năm 1930 bởi người cha quá cố của ông. Lúc đó ông Lee mới trở về sau chuyến đi Nhật Bản nơi ông đã thấy các công ty sản xuất chip memory khác đang dừng đầu tư lại do thiếu tài chính. Samsung đã nhìn thấy một cơ hội để vượt lên.
Tuy vậy, việc ra quyết định còn dễ hơn việc tìm tiền để chi cho kế hoạch. Samsung có món nợ dài hạn gần 11 tỷ trong năm 1997 và các ngân hàng Hàn Quốc và nước ngoài đã không cho công ty vay các khoản mới. Công ty đã cố vét được khoảng 2 tỷ USD bằng cách tập trung tất cả các tài khoản có thể thu hồi được để có khoản tiền thế chấp tài sản và bằng cách buộc những nhà cung ứng thiết bị cung cấp tín dụng.
Quan trọng hơn, Yun đã có những biện pháp cứng rắn để cải thiện tình hình tài chính. Ông đã cho 24 ngàn lao động nghỉ việc - chiếm khoảng 30% khoản tiền lương của Samsung Electronics - và bán đi 2 tỷ USD tài sản của công ty. Trong một hành động chưa từng có trong lịch sử công ty, Yun đã ra lệnh tạm đóng cửa những nhà máy sản xuất đồ gia dụng trong vòng vài tháng.
Bán hàng tồn
Giống như hầu hết các chaebol Hàn Quốc khác, Samsung luôn luôn bị ám ảnh bởi việc đẩy mạnh sản xuất và doanh số bán hàng. Sau cuộc khủng hoảng châu á, công ty này đã rất thận trọng với hàng tồn kho và đã phát hiện ra nhiều mặt hàng TV, máy tính và những sản phẩm khác của Samsung ở nước ngoài tồn kho tới bốn tháng. Giá trị của lượng hàng tồn kho này vượt quá 2 tỷ USD. Yun tuyên bố Samsung sẽ không sản xuất thêm những sản phẩm này cho đến khi bán hết tồn kho.
Ông Yun nhớ lại: "Trước đó, những nhà máy của chúng tôi luôn hoạt động hết công suất cho dù nền kinh tế đang trong khủng hoảng hay tăng trưởng mạnh".
Yun nói: "Những nhà quản lý của chúng tôi không hiểu rằng nếu tăng sản lượng thêm thì sản phẩm cũng chỉ đi vào nhà kho mà thôi"
Vươn lên thị trường cao cấp
Bước đầu tiên là giảm chu kỳ tồn kho. Tại một thời điểm trong năm 1996, giá của DRAM - mặt hàng sau đó chiếm 60% sản lượng xuất khẩu của Samsung - giảm hàng tuần 1% và sau mỗi năm giảm giá đến 50%. Chíp càng tồn kho lâu thì giá thu về trên thị trường càng giảm. Bằng cách giảm mạnh thời gian giữa sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm, Samsung có thể thu được mức giá bán cao hơn.
Hai năm sau khi khủng hoảng, Samsung Electronics đã lại có lãi. Một biện pháp thành công nữa là sản lượng của công ty tăng gần gấp năm lần từ năm 1996 đến năm 2002 nhưng chi phí trên đầu người chỉ tăng 12%. Nợ dài hạn của Samsung đã giảm xuống dưới 2 tỷ USD và lợi nhuận ròng đã tăng từ gần như không tới mức đáng nể là 12%.
Một điều then chốt khác tạo bước ngoặt cho công ty là quyết định tái tạo lại hình ảnh của Samsung như một nhãn hiệu cao cấp. Công ty không chỉ chi một đống tiền cho nhiều hoạt động marketing và tập trung sản xuất những model điện thoại và sản phẩm cao cấp mà Yun còn tuyên bố Samsung sẽ từ bỏ hoàn toàn những sản phẩm cấp thấp, cho dù như vậy là bỏ qua cơ hội dễ dàng có doanh số cao. |
Bộ mặt mới của Samsung
Một lần nữa Yun đã thực hiện quan điểm của ông một cách rất thành công. Tại một số nước châu Âu, nơi Samsung chưa từng đưa các loại TV kỹ thuật số đắt tiền ra thị trường, ông đã quyết định mua lại toàn bộ TV Samsung cấp thấp. Tại sao vậy? Yun giải thích: “TV là bộ mặt của Samsung Electronics, nếu chúng tôi tiếp tục bán những sản phẩm cấp thấp, nó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của công ty chúng tôi. Chúng tôi dành cơ hội kinh doanh sản phẩm low-end này cho những công ty khác ở Đông Nam á. Chúng tôi tin rằng trong vòng 5-10 năm nữa, tương lai của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào tài sản thương hiệu của chúng tôi”.
Để thúc đẩy chất lượng quản lý, nghiên cứu và phát triển của công ty, Samsung cũng tuyển dụng rất nhiều người tài giỏi ở nước ngoài. Yun cho biết: “Thậm chí trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều cho nhân sự, Samsung đã thuê thêm 800 tiến sĩ trong vòng 5 năm qua (nâng tổng số tiến sĩ làm việc cho công ty này lên con số 1900) cũng như khoảng 300 MBA từ các trường đại học phương Tây”. |
Yun thừa nhận rằng bước chuyển đổi lịch sử trong lĩnh vực điện tử là một nguyên nhân nữa giúp Samsung có thể vượt qua khoảng cách công nghệ với những người khổng lồ trong lĩnh vực này như Mitsubishi, Sony, Philips, Motorola và Sharp. Sự chuyển đổi lịch sử đó là bước chuyển từ công nghệ analog sang công nghệ digital trong mọi lĩnh vực từ thiết bị viễn thông đến camera đến đồ dùng gia đình.
Yun nói: “Trong kỷ nguyên analog, kinh nghiệm và công nghệ là rất quan trọng, nếu bạn là người đến sau thì thật khó để bắt kịp. Nhưng trong thời kỳ kỹ thuật số, cánh cửa lại rộng mở bởi vì mọi người đều có thể tiếp cận với những công nghệ như nhau. Điều quan trọng nhất là sự thông minh và tốc độ”. |
Kết quả cuối cùng, Samsung đã có một năm 2002 cực kỳ thành công, với giá chip memory cao. Lợi nhuận của công ty năm ngoái đã đạt tới 5,9 tỷ USD trên tổng số doanh thu 33,7 tỷ USD, trong khi các công ty khác trong cùng lĩnh vực vẫn còn chưa đứng vững. Tuy phương Tây còn nghi ngờ về phong cách quản lý của Samsung, nhưng không ai có thể phủ nhận công ty này đã tiến rất nhanh cả về khả năng tài chính và thị phần. Hiện nay nhiều nhà đầu tư sẵn sàng cung cấp vốn cho Samsung Electronics cho các dự án tiếp theo.