Chú Quách tên là Quách Đàm, một thương nhân nổi tiếng không chỉ bởi sự giàu có mà còn vì tài trí trên thương trường. Ông được đánh giá là bậc thầy sử dụng mưu lược trong kinh doanh
Mặc dù dân gian chưa liệt ông vào một trong tứ đại cự phú những năm đầu thế kỷ 20, nhưng chú Quách (Quách Đàm) cũng có thành tích đáng nể trong giới máu mặt Sài Gòn ngày đó, thành tích khiêm tốn là chú đã để lại ngôi chợ Bình Tây (dân gian vẫn gọi là Chợ Lớn Mới) hoành tráng của Sài Gòn- Chợ Lớn xưa và nay.
Gan dạ và cơ mưu
Theo nhiều người dân đang buôn bán, kinh doanh tại Chợ Bình Tây ngày nay thì chợ này do ông Quách Đàm bỏ tiền ra xây dựng. Chợ được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930. Chợ được xây cất bằng xi-măng cốt thép theo kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc. Tháp giữa vươn cao có 4 mặt đồng hồ, có lưỡng long chầu minh châu, 4 góc có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Riêng mái ở các góc có nét uốn lượn theo kiểu chùa chiền phương Đông.
Chợ Bình Tây hay còn gọi là Chợ Lớn mới do Quách Đàm bỏ tiền xây dựng từ năm 1927 đến năm 1930 hoàn thành.
Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát. Ông đã từng được Chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu Bội Tinh vì đã mua đứt một nhà máy đường của Pháp đang làm ăn thua lỗ.
Ông Phạm Văn Thiều, người chuyên nghiên cứu lịch sử Sài Gòn xưa cho biết: "Quách Đàm (1863 -1927), vốn là một thương gia gốc Hoa, ở làng Triều An, Long Khanh, Triều Châu, Trung Quốc. Khởi thủy, chú Quách cũng toòng teng đôi quang gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm khu vực Chợ Lớn để mua bán ve chai. Chú không nhà không cửa, người thân thích, cứ đi mua bán cả ngày, tối về lại kiếm mái hiên trong khu phố Chợ Lớn cũ (khu vực bưu điện Chợ Lớn, đầu đường Châu Văn Liêm hiện nay) để ngủ.
Tuy nghèo khổ cơ cực như vậy nhưng chú Quách không bỏ ý định làm giàu. Và cũng chỉ một thời gian buôn bán ve chai, người dân Chợ Lớn đã thấy chú Quách có chút vốn liếng, nhưng vẫn chưa có nhà cửa. Có ít tiền, chú bỏ nghề buôn bán ve chai, tập trung đi mua da trâu, vi cá bán lại, mặt hàng này khi đó chủ yếu bán cho nước ngoài".
Ông Phạm Văn Thiều cho biết thêm:
"Lúc Quách Đàm đã có chút vốn liếng liền mua đất vùng Bình Tây nguyên là đất ruộng, mua xong, Đàm nghĩ ra một kế để biến đất ruộng trở nên đất thổ trạch châu thành. Đàm hy sinh một số vốn to tát, tự mình xuất tiền đúc một chợ ciment cốt sắt vĩ đại, nay vẫn còn đồ sộ và khéo léo, quen gọi chợ Quách Đàm (chợ Bình Tây). Thế là, đổi lại ơn kia, Quách Đàm xin Chính phủ Pháp đặt tượng đồng của Đàm nơi cửa chánh môn. Tượng do Quách Đàm xuất tiền đúc, ông ăn vận triều phục Mãn Thanh, nón nhỏ, áo ngắn phủ trên một chiếc áo thụng, đầu để bín, tay cầm một bản đồ, dưới bệ đá trắng có mấy con giao long bằng đồng phun vòi nước bạc. Chợ xây rồi, chung quanh đó, Quách Đàm dựng nhà lầu kiểu phố buôn bán và toa rập với Chính phủ Pháp định dời Chợ Lớn về đây, trước dẹp chợ cũ xấu xí, sau mở mang thành phố cho thêm tráng lệ. |
Để thấy mánh lới và sự gan dạ của Quách Đàm, một chuyện xưa kể lại rằng:
Một năm nọ, Quách Đàm sai mua lúa khắp Lục Tỉnh chở về dự trữ ngập kho ngập chành trong Chợ Lớn, chờ ngày chuyển sang thị trường Tân Gia Ba. Xảy đâu tin dữ bên Singapore gửi qua cho hay lúa sụt giá! Cứ đà này, lúa của Quách Đàm dự trữ đã mất lời mà còn phải chịu lỗ, số tiền hao hụt không thể tưởng tượng. Lúc này, Quách Đàm vẫn bình tĩnh như thường, lại ra mật lệnh cho bọn tay sai Lục tỉnh cứ tiếp tục mua lúa thêm mãi, giá y cựu lệ, như không có việc gì xảy đến. Chẳng những vậy, Quách Đàm còn hô hào dạy cứ mua giá có thể cao hơn trước mỗi tạ một vài đồng xu để người bán ham lời không bán cho người khác. Một mặt, Đàm gửi mật thư cho đại diện bên Tân Gia Ba căn dặn gửi sang đây một điện tín khẩn cấp đồn đãi rằng, lúa sắp vọt giá lên cao hơn nữa... Quả nhiên, các nhà buôn lúa cạnh tranh với Đàm, tuy kinh nghiệm có thừa, nhưng không thoát được quỷ kế của Quách Đàm. Các nhà buôn ùn ùn xúm nhau kiếm mua lúa với giá cao để có đủ số ăn thua cùng Đàm. Ra vẻ không quan tâm đến thời cuộc, chỉ nằm hút á phiện, nhưng Đàm vẫn lén sai bộ hạ bán đổ bán tháo lúa dự trữ bấy lâu ra gần sạch kho. Lúa Đàm bán xong, các nhà buôn kia cũng vừa ngưng mua, thầm biết mắc mưu độc. Các nhà buôn đã chia nhau mua lúa của Đàm, chia nhau gánh lấy sự lỗ của Đàm. Ông nằm hút á phiện cười thầm "kế mượn tên" của Gia Cát Khổng Minh lẩm rẩm mà thâm thúy vô cùng vẫn còn hiệu nghiệm. |
Cơ ngơi phút chốc điêu tàn
Ông Phạm Văn Thiều, người nhiều năm nghiên cứu lịch sử nhận xét: "Kể ra Đàm rất nhiều cơ mưu, và trong thương giới quả Đàm là một tay lợi hại. Đàm tuy là một khách trú không mấy ai biết nhiều, nhưng ai biết được Đàm cũng đều cầu thân để cậy nhờ nhiều việc. Một hội viên Hội đồng Quản hạt chở mía cây đến bán cho Đàm, ngồi chờ Đàm hút, dạ thưa kính nể còn hơn vào chầu Thống đốc. Tất cả chỉ để Đàm vui dạ, mua cao lên vài xu và mua gấp để mía khỏi "rượu" và "mất cân" được đồng nào hay đồng nấy.
Chợ Bình Tây ngày nay
Về sau, Đàm giàu quá, xoay qua đứng bảo lãnh (avaliser) cho con nợ nhà băng "Đông Dương Ngân Hàng". Mỗi lần xin chữ ký bảo chứng, phải chịu cho Đàm một huê hồng đã quy định trước. Dè đâu gặp năm kinh tế khủng hoảng, các nhà buôn vỡ nợ không đủ sức trả bạc vay, nhà băng phát mãi sự sản, lôi kép nhà họ Quách sụp đổ theo luôn", ông Thiều cho biết thêm.
Trong một tài liệu cho chép lại về sự phát tích của chú Quách như sau: "Nhà buôn Quách Đàm lấy hiệu "Thông Hiệp", trụ sở ở Quai de Gaudot, nay là đại lộ Khổng Tử, nhưng thời ấy còn là một con kinh chưa lấp. Tương truyền khi sắp phát tích, Đàm đến nhờ một thầy Tàu cho chữ hiệu.
Ông thầy Tàu ngồi bên đường viết liền “Tết Trung thu” và hỏi Đàm làm nghề gì? Đàm thưa: "Mua bán da trâu và vi cá chở đi xứ ngoài." Thầy Tàu suy nghĩ giây phút rồi viết cho hai chữ: "Thông hiệp" vừa mạnh vừa tốt, lại kiêm theo hai câu liễn: "Thông thương sơn hải" (trâu: sơn, cá: hải) và "Hiệp quán càn khôn". Thiệt là tuyệt diệu ! Quách Đàm mừng khấp khởi, khắc bảng phết son thếp vàng.
Theo ông Phạm Văn Thiều, quả thật từ đấy việc làm ăn của Đàm ngày một phấn chấn, thịnh vượng, bành trướng khắp biển Đông núi Việt. Số tiền lời không kể xiết. Khỏi nói, từ đó năm nào Đàm cũng không quên công ông thầy Tàu cho chữ. Đến khi bị nạn kinh tế, gia tài sụp đổ, Quách Đàm không trách nhà buôn do mình bảo lãnh sai lời, để mình "chết theo một bè". Đàm chỉ căm thù ai kia đã lấp con kinh trước nhà, làm "hư phong thủy". Đàm đinh ninh tin tưởng vào lời thầy địa lý năm xưa, dạy rằng chỗ Đàm đóng đô là "đầu một con rồng", khúc đuôi nằm tại biển cả! Dặn coi chừng đừng cho lấp kinh, tức lấp "mạch rồng", và nếu một mai mạch rồng khô cạn, nguy cho cơ nghiệp họ Quách.